Càng ngày, nhịp sống Hà Nội dường như càng sôi động hơn và người Hà Nội cũng thức khuya hơn. Cũng chẳng biết tự bao giờ mà người Hà Nội lại có thú ăn đêm. Dạo quanh một vòng 36 phố phường mới thấy đã có thêm nhiều thứ quà đêm mới phù hợp với nhu cầu của nhiều tầng lớp xã hội.
Chừng khoảng 8h tối là các hàng quà đêm bắt đầu đông khách. Hà Nội có hai phố được mệnh danh là phố ẩm thực, đó là phố Tống Duy Tân và phố Cấm Chỉ, bây giờ cũng chuyên bán đồ cho khách ăn đêm là chính. Phố Cấm Chỉ, nơi từng được biết đến trong sử sách là các nhà hàng ở đây chỉ để phục vụ các bậc vua chúa trong hoàng thành Thăng Long xưa, vì vậy mới có cái tên "Cấm Chỉ". Nay phố này cũng chỉ "chuyên doanh" quà sáng, quà đêm như xôi giò chả, cháo cá ám, phở bò, lẩu hải sản tươi sống v.v... Các cửa hàng ở phố Tống Duy Tân thì nổi tiếng với món gà tần, pín tần, óc tần thuốc bắc…
Trong tiết trời đông lành lạnh hanh heo, một thứ quà đêm mà người Hà Nội từ người sang đến kẻ bần hàn, từ bà mệnh phụ sang trọng ấm cúng trong ngôi nhà cao cửa rộng cho đến bác xe "ôm" đứng đón khách nơi ngã ba, ngã tư lộng gió đều thích, đó là món ngô nếp non nướng, giá chỉ từ 1.000 đến 2.000đ/bắp. Trên các con phố, hay trong các khu chung cư và các con ngõ nhỏ đều có hàng ngô nướng. Sắm đồ nghề để kinh doanh "ngạch hàng" này cũng không tốn nhiều kinh phí, đặc biệt là không phải xin giấy phép hành nghề, có gặp phải mấy "bác" trật tự đi đuổi chợ đêm thì cũng không nỡ lòng nào lại "thu" lệ phí. Vậy là chỉ một chậu than củi đỏ, dăm bảy chục bắp ngô "bãi sông Hồng" xếp hàng nổ lách tách trên hơi than nồng ấm, bí quyết để có bắp ngô chín đều, vàng là phải luôn tay quạt và đều tay lăn bắp ngô. Bấy nhiêu thôi cũng đủ hấp dẫn những ánh mắt thèm thuồng, chờ đợi để thưởng thức vị ngọt thoang thoảng phù sa từ những chắt chiu, chăm bẵm để có thành quả là những hạt bắp mẩy đều và ngọt ngào dẻo thơm.
Một thứ quà độc đáo nữa mà có lẽ chỉ phục vụ một loại khách hàng là giới học sinh, sinh viên, đó là hàng quẩy nóng, nằm rải rác ở các phố Phan Bội Châu, Đường Thành, Nhà Chung, Nguyễn Khuyến... Chỉ 10 nghìn đồng là có một đĩa quẩy nóng thơm lừng rồi. Tuy nhiên mặt hàng này "kén" khách đã đành mà lại cũng "kén" mùa nữa. Cũng chỉ mùa đông mới bán "chạy" được mặt hàng này mà thôi. Bột mỳ để làm quẩy cũng phải "kén" thứ bột mỳ cao cấp. Riêng nước chấm thì chỉ có nhà hàng với một "bí quyết" riêng mới làm được. Họ pha thật khéo, với một bát nước chấm có màu xanh của đu đủ, màu đỏ của cà rốt và màu vàng của ớt. Các cô các cậu học trò vừa ăn vừa chấm và húp rồi xuýt xoa, làm người bán hàng cũng "mát lòng mát dạ".
Bắt đầu khoảng 21 giờ, đi dọc phố Hàng Bồ đến đầu Lương Văn Can, hai bên hè la liệt các hàng mực nướng, ốc luộc, được bày trên các mẹt nan nhỏ. Mực nướng không chỉ thu hút giới mày râu mà ngay cả phái "yểu điệu thục nữ" và các cháu nhỏ cũng đều rất say mê và khoái khẩu. Mùi mực nướng trên than hồng thơm nức cứ bay vào mũi như lời mời gọi thật khó cưỡng nổi. Ốc luộc thật ra chỉ là món quà bình dân, nhưng lại được nhiều người ưa dùng. Một chị bán ốc ở phố Hòe Nhai cho biết, với giá 10-15 nghìn đồng/bát, mỗi đêm chị bán được ngót tạ ốc. Hàng ốc luộc trên phố Đường Thành còn chế tác thêm ốc xào xả ớt, xào khế cũng rất hấp dẫn thực khách.
Ở ngay nửa đầu phố Lò Đúc, dãy bên nhà số chẵn, có một cụ bà tóc đã bạc trắng như cước, quanh năm ngồi bán quà đêm, sản phẩm tiêu thụ đều do cụ làm ra, là những loại bánh và chè các loại ngon nổi tiếng, nào là bánh bao, bánh gatô, bánh rán mặn, ngọt, bánh trôi tàu, chè kho, chè xào... Còn gì thú vị hơn khi về đêm đầu thu, trời se se lạnh, ăn một chiếc bánh bao nóng với giá chỉ 5 nghìn đồng được hấp trong chiếc nồi gang to, thơm ngon thoảng trong mùi hương hoa sữa thoắt ẩn, thoắt hiện với một người bán hàng đẹp lão trông hiền từ như một bà tiên. Với món chè kho của bà thì thực khách dù khó tính đến mấy cũng không thể có lời nào chê được, vì cũng là đỗ xanh và đường hoa mai, song món chè kho cụ đã xào cùng nhân thảo quả nướng thơm, làm ấm áp lòng người ăn giữa đêm đông giá lạnh. Bên cạnh hàng chè, bánh của cụ nhiều khi có hàng khoai nướng "cơ động" của chị hàng khoai, bởi chị không ngồi "bất di bất dịch" như cụ hàng bánh mà thường "hành quân" suốt đêm. Với một thúng khoai nướng được cất tại lò bánh mỳ, được ủ kỹ bằng hai cái bao tải đay, bên trong được "độn" thêm một lớp giấy bao quanh và túi ủ bằng nilông cho khoai luôn được nóng, bán 15 nghìn đồng/kg, ăn lâu lâu là "nghiện", chị hay dừng ở quán bà cụ vì khách ở đây đông và bản thân chị cũng rất "nghiện" cái món bánh bao của cụ. Khách ăn ở hàng "bà lão" xong thường ghé hàng chị, người dăm lạng, người nửa cân, có người mua thừa 1, 2 nghìn thường cho chị luôn, vậy là chị xuýt xoa, lẩm bẩm, sao mà có người rộng rãi, hào phóng đến thế. Chị cảm ơn rối rít mãi không thôi. Thực sự thì tôi cũng rất nhiều lần đã đến đây ngồi ăn một bát bánh trôi tàu nóng, rồi xem cụ bán hàng, ngắm những khách ăn hàng và mua khoai của chị, vì cảm nhận được sự chất phác và lam lũ của chị trong những đêm đông giá buốt nhưng phải công nhận là khoai của chị cũng rất ngon. Củ khoai để lâu được nướng đã lên mật thấm đẫm cả vỏ, bóc sánh ra đầu ngón tay, còn vị khoai nướng thì khó mà tả nổi…
Cách góc ngồi của cụ không xa là hàng phở Thìn ở số nhà 13, với nồi nước dùng cũng bốc mùi thơm ngào ngạt như gọi mời khách, nên dù đã "no khoai, chán chè", tôi vẫn đi tới để "tham quan", để được "sống" lại cảnh xếp hàng thời bao cấp một chút. Đứng trong đoàn người "chờ" khoảng trên chục người, tôi đứng gần cuối nên tha hồ "ngắm trộm" chủ hiệu thao tác bán hàng. Người đàn ông "mũm mĩm" đứng bên nồi nước dùng nghi ngút khói thoăn thoắt chan nước dùng vào bát phở đã bày biện sẵn. Bánh phở ở đây mỏng tang và dẻo, thịt bò xào lăn mềm và nước dùng trong vắt, ngọt đậm vị xương bò ninh khéo, do xương được rửa sạch, luộc kỹ bỏ nước đầu và đặc biệt là không cần mỳ chính mà nước dùng cứ ngọt lừ. Người khách đứng trước tôi hình như là một "fan" cuồng nhiệt của hàng phở này thì phải, vì tôi thấy ông ta không hề sốt suột mà còn nói đổng rằng hôm nay là vắng khách đấy. Tôi hỏi thì ông cho biết có những đêm khách xếp hàng dài lắm, nhưng được cái khách đã "học" rất kỹ về tính kỷ luật, nên mọi người cứ kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn xếp hàng tuần tự, cầm sẵn tiền theo nhu cầu của mình để được nhận một bát phở bò xào lăn từ tay người chủ quán, ghé vào bất cứ bàn nào còn trống, vắt chanh, chan tương ớt, thêm vài lát ớt thái mỏng, thế là xì xụp, tận hưởng hương vị ngọt ngào của bát phở với gương mặt viên mãn. Thế mới biết người Hà Nội trong cái sự ăn cũng rất cầu kỳ và thanh lịch, họ sẵn sàng chờ đợi để được tận hưởng miếng ăn ngon. Phở ở đây chỉ chuyên một dòng "bò" và bán đêm là chính, chứ còn phở "gà Lê Văn Hưu", phở "gà Lâm" Nam Ngư thì thường là bán ngày. Các thượng khách "phở" đêm còn kháo nhau là phở "gia truyền" 49 Bát Đàn ngon có tiếng ở Hà Nội cũng chỉ bán đêm với hai loại tái nạm và tái gầu, và cũng cảnh xếp hàng thật dài trong trật tự và phở ở đây thì mặc dù khách đã no bụng rồi mà miệng vẫn muốn ăn, vì nước dùng ở đây cũng thanh, cũng ngọt và nóng, ăn hết bát phở rồi mà nước dùng vẫn cứ nóng giẫy, thế mới tài, mới khéo chứ.
Nói đi nói lại thì người Hà Nội vẫn cứ khoái "phở" nhất, vì vậy các quán phở đêm có khắp ở Hà Nội. Ngoài phở Thìn "Lò Đúc" ra thì có phở Thìn "Bờ Hồ", phở "Mậu dịch" Lý Quốc Sư, phở "Thịnh" ở phố Tôn Đức Thắng. Tôi rất "mê" hàng phở "gánh" của chị Minh ở đầu phố Hàng Trống. Mùa hè 8 giờ mới dọn hàng, nhưng đến 21 giờ là hết veo, ăn một lần là nhớ mãi, hàng của chị toàn bán khách quen là chính, tôi cũng là một trong những khách ấy. Phở ngon, sạch sẽ và giá thì thật bình dân: 10-15 nghìn đồng/bát. Ngoài phở, đêm Hà Nội còn có bún bò, bún măng ngan nổi tiếng ở phố Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng. Cháo gà, dù gạo được ninh nhừ mà vẫn giữ nguyên cả hạt, thịt gà xé nhỏ hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị đúng nghĩa "đậm đà khó quên" ở phố Trần Quý Cáp, khu vực Cửa Nam, ngõ Cấm Chỉ hay hàng cháo gà bà "Quát" ở phố Lý Quốc Sư.
Quà đêm Hà Nội không chỉ ăn cho vui mà còn phục vụ cho nhu cầu thiết thực của những người lao động về đêm. Họ là những công nhân đi làm ca, tài xế taxi, người lái xe ôm, thợ chụp ảnh dạo, những nghệ sĩ, diễn viên và cả những gái nhảy ở vũ trường... Quà đêm đơn giản dành cho họ thường là xôi, bánh mỳ, khoai sắn, bánh bao, bánh giò... được bày bán khiêm tốn ở một góc hè phố. Bình dân hơn nữa là quà đêm bán tại khu vực chợ đêm như chợ Long Biên, chợ rau xanh Cầu Mới (Cầu Giấy), chợ hoa quả Quảng Bá... Thực khách ở đây không cầu kỳ về chất lượng mà chỉ cần no bụng với một suất ăn chỉ 5-7 nghìn đồng.
Từ cuối năm 2003, Hà Nội mở chợ đêm Đồng Xuân với nhiều món ăn nổi tiếng đặc trưng của Hà Nội như bánh cuốn Thanh Trì, bún ốc Pháp Vân, nộm thịt bò khô, bán thang bà Ẩm, bún mọc đồng cô... khiến thị trường quà đêm Hà Nội càng thêm phong phú.
Danh sách các blog chính thức của SondAuto >>>
+ SondAuto on Facebook >>> www.facebook.com/sondauto.blog
+ SondAuto on Yahoo Blog >>> blog.yahoo.com/sondauto
+ SondAuto on Google Blog >>> sondauto.blogspot.com
+ SondAuto on Youtube >>> www.youtube.com/sondauto
Đừng chần chừ nữa, thế giới giày của sự độc đáo đang chờ đón bạn !
Passion Boutique số 5 Đoàn Trần Nghiệp - Hà Nội
WALKING IN YOUR HEART
* The official website and blog of Passion Boutique
HÃY LIKE VÀ LIKE SHARE TRANG FB CỦA PASSION BOUTIQUE NHÉ FACEBOOK.COM/PASSIONBOUTIQUE.HANOI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét